Lê Hội Làm Chay
Từ 14 đến 16 tháng Giêng hằng năm, người dân thị trấn Tầm Vu cùng các địa phương trong và ngoài tỉnh Long An lại náo nức đón “cái Tết thứ 2” - Lễ hội Làm chay. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất tỉnh Long An, là nơi hội tụ các yếu tố, nét đẹp văn hóa dân gian mang đậm tính cộng đồng, làng xã của người dân huyện Châu Thành hơn 100 năm nay. Cứ gần đến ngày này, người dân lại nhắc nhau “Dù ai buôn bán bộn bề/Làm chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”.
Đình Tân Xuân thờ Thần Thành Hoàng cùng các thủ lĩnh nghĩa quân trong phong trào vũ trang kháng thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX, nổi bật là 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Phong và Đỗ Tường Tự. Khi giặc Pháp chiếm Tầm Vu, các cuộc khởi nghĩa liên tục nổi lên nhưng đều bị đàn áp dã man, nhiều nghĩa sĩ ngã xuống, trong đó có 2 nhà yêu nước Đỗ Tường Tự và Đỗ Tường Phong.
Với lòng tiếc thương 2 nhà yêu nước nói riêng cũng như các nghĩa sĩ trận vong nói chung, nhân dân Tầm Vu tổ chức lễ cúng với hình thức trai đàn, cầu an cho bá tánh. Về sau, người dân gọi chệch “làm trai đàn” thành làm chay.
Lễ hội Làm chay mang đậm nét văn hóa cộng đồng và tổng hòa các yếu tố tôn giáo, dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Lễ hội thể hiện quyết tâm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống của Đảng bộ, nhân dân Châu Thành, đồng thời khơi dậy niềm tự hào, tinh thần yêu nước, truyền thống anh hùng trong mỗi người dân trong thời đại mới.
Đối với người dân Châu Thành, Lễ hội Làm chay là sự kiện quan trọng. Mục đích chính của lễ hội là nhằm khôi phục các giá trị truyền thống dân gian, cầu mong mưa thuận gió hòa, nhân dân thái bình, an tâm lao động sản xuất, đạt vụ mùa bội thu. Nhiều người tin tưởng, khi Lễ hội Làm chay được tổ chức thành công thì trong năm, người dân sẽ gặp nhiều may mắn trong cuộc sống và công việc. Lễ hội vì thế trở thành sự kiện được chờ đợi, vừa là niềm tự hào về truyền thống văn hóa lịch sử lâu đời của quê hương Châu Thành.
Lễ hội Làm chay hàng năm được tổ chức từ ngày 14 đến 16 tháng Giêng với nhiều hoạt động như nghi lễ cúng tế truyền thống, tổ chức trò chơi dân gian, múa lân, hát bội, thi gói bánh tét... Hoạt động xô giàn, đốt Ông Tiêu vào lúc 24 giờ ngày 16 tháng Giêng là chương trình được chờ đợi nhất trong lễ hội, nhằm cầu mong những điều may mắn, thuận lợi trong năm mới.