Hen phế quản (HPQ) là một bệnh có đặc điểm là viêm mạn tính niêm mạc phế quản làm tăng phản ứng của phế quản thường xuyên với nhiều tác nhân kích thích, dẫn đến co thắt lan toả cơ trơn phế quản. Sự co thắt phế quản không cố định, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc sau khi dùng thuốc giãn phế quản.
HPQ biểu hiện với các triệu chứng như thở khò khè, khó thở, nặng ngực và ho. Bệnh biến đổi theo mùa, nặng khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết. Các triệu chứng này có liên quan với sự biến đổi của luồng không khí thở ra do tình trạng tắc nghẽn đường thở (phù nề niêm mạc, co thắt cơ trơn, tăng tiết đàm).
I. TRIỆU CHỨNG
Triệu chứng hen đa dạng và khác nhau ở các người bệnh. Biểu hiện của hen dễ gây nhầm lẫn với bệnh về phổi khác như giãn phế quản, lao, COPD… Người bệnh có thể khởi phát cơn hen không thường xuyên, chỉ có triệu chứng vào những thời điểm nhất định hoặc khi tiếp xúc với các dị nguyên. Dứt cơn hen, người bệnh có thể trở lại trạng thái bình thường.
Cơn hen điển hình là cơn khó thở: lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cử người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hàng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đàm. Đàm thường trong, quánh, dính.
Triệu chứng xảy ra trước cơn hen: hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ...
Các triệu chứng không điển hình bao gồm:
- Ho, đặc biệt là vào ban đêm: Ho là một phản ứng khi cơ thể muốn đẩy các chất bài tiết hoặc dị nguyên từ môi trường như bụi, khói, phấn hoa, lông động vật… ra ngoài. Ho có thể xuất phát từ các bệnh về nhiễm khuẩn xoang mũi, cảm lạnh… nhưng nếu tình trạng ho kéo dài, các cơn ho xuất hiện chủ yếu vào ban đêm do đường thở bị thu hẹp thì người bệnh cần lưu ý vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Ho kéo dài vào ban đêm có thể là triệu chứng của bệnh hen suyễn.
- Khó thở.
- Tức ngực hoặc nặng ngực.
- Thở ra khò khè, là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen ở trẻ em.
- Khó thở gây khó ngủ, ho hoặc thở khò khè.
II. NHỮNG ĐỐI TƯỢNG DỄ MẮC BỆNH HEN SUYỄN
Hen là bệnh lý phổ biến, bệnh xuất hiện ở cả trẻ em và người lớn. Một số đối tượng có nguy cơ cao dễ mắc bệnh bao gồm:
- Người có cơ địa dị ứng.
- Trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp tái phát nhiều lần.
- Trẻ có bố mẹ mắc bệnh hen.
- Người bị ảnh hưởng bởi môi trường ô nhiễm như hóa chất, khói bụi.
- Khói thuốc lá.
- Người thừa cân, béo phì.
- Người có tiền sử mắc bệnh dị ứng về da, hô hấp…
III. NGUYÊN NHÂN KHỞI PHÁT CƠN HEN
- Khói thuốc lá.
- Ô nhiễm không khí.
- Bụi.
- Nấm mốc.
- Lông vật nuôi.
- Khói do đốt gỗ hoặc cỏ.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: cảm cúm, cảm lạnh, nhiễm siêu vi, viêm xoang, dị ứng, hít phải chất hóa học và bị trào ngược axit cũng là nguyên nhân gây bệnh.
- Đốt nhang, nến gây ra hạt vô cơ, ảnh hưởng đến việc kiểm soát triệu chứng hen.
- Hít không khí lạnh và khô, sử dụng một số loại thuốc như aspirin, thực phẩm, gia vị và hương thơm có thể gây bệnh.
- Trào ngược dạ dày thực quản.
- Cảm xúc mạnh như lo lắng, cười, buồn hoặc stress.
- Chất bảo quản thực phẩm (sulfite) được tìm thấy trong tôm, dưa chua, bia và rượu, trái cây khô và nước chanh đóng chai…
IV. BIẾN CHỨNG
Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ mắc các biến chứng nặng, nguy hiểm tính mạng như:
- Khí phế thủng, tâm phế mạn: thường gặp ở người bệnh hen mãn tính, nặng.
- Biến dạng lồng ngực hay mắc suy hô hấp mạn tính.
- Xẹp phổi: thường xảy ra ở trẻ em.
- Tràn khí màng phổi.
- Biến chứng của điều trị: dùng nhiều corticoid kéo dài có thể gặp hội chứng giả cushing.
V. NGƯỜI MẮC BỆNH HEN CẦN PHẢI LÀM GÌ?
- Dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, theo dõi triệu chứng và mức độ bệnh, tái khám đúng hẹn. Người mắc bệnh hen nên chuẩn bị sẵn thuốc cắt cơn hen, phòng ngừa trường hợp lên cơn hen bất ngờ, không kịp xử trí.
- Tránh tiếp xúc các tác nhân gây khởi phát cơn hen (khói thuốc lá, lông thú nuôi…), kiêng ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng.
- Dọn dẹp vệ sinh thường xuyên nhà cửa, tránh dùng mền lông, thay đổi và vệ sinh vỏ niệm, vỏ áo gối thường xuyên.
- Tập thể dục hợp lí, bổ sung các thực phẩm giúp tăng sức đề kháng như các loại trái cây có chứa vitamin C (cam, bưởi, chanh…)
- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết trở lạnh
- Một số loại thuốc có thể làm nặng hơn tình trạng hen, người bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng thuốc điều trị bệnh lí khác.
VI. LÀM GÌ KHI LÊN CƠN HEN?
- Khi lên cơn hen cần đánh giá tình trạng hiện tại đang xảy ra và xác định có cần gọi cấp cứu hay không và phải làm gì để xử lý ngay tại chỗ. Khi người bệnh có cơn hen cần dùng thuốc cắt cơn hen tác dụng nhanh (đã được bác sĩ điều trị kê toa): qua khí dung hoặc bình xịt định liều kết hợp buồng đệm. Bệnh nhân cần đến bệnh viện kiểm tra ngay khi có các biểu hiện trầm trọng (khó thở nhiều và không giảm sau dùng thuốc, tím tái…), khi có tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp (sốt, ho nhiều hơn, đàm chuyển màu).